Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội trong thời đại kỷ nguyên số đòi hỏi sự thích ứng và thay đổi của mọi ngành, giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Vậy thì mô hình giáo dục như thế nào sẽ giúp thế hệ trẻ phát huy hết tiềm năng của bản thân để sẵn sàng tiếp cận, hội nhập quốc tế và thích ứng thời đại 4.0?
“Giáo dục khai phóng hướng đến việc đào tạo toàn diện cho người học có khả năng thích nghi với sự thay đổi và tự học hỏi’’ – PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chia sẻ trong bài phỏng vấn về Giáo dục khai phóng và định hướng phát triển Chương trình Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế liên kết giữa Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Andrews (Mỹ). PGS.TS Lê Trung Thành tin rằng với phương pháp đào tạo toàn diện, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để chủ động thích ứng với môi trường làm việc đầy biến động trong tương lai.
Hãy cùng tìm hiểu về áp dụng mô hình Giáo dục Khai Phóng tại Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU qua chia sẻ của PGS.TS Lê Trung Thành nhé!
Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU hiện đang triển khai hợp tác Chương trình Cử Nhân Quản trị Kinh doanh, ngành Kinh doanh Quốc tế liên kết với Đại học Andrews (Mỹ). Được biết rằng chương trình liên kết mới này của ISME@NEU được áp dụng mô hình Giáo Dục Khai Phóng, một triết lý giáo dục của Mỹ được áp dụng phổ biến trong nhiều năm qua. Vậy thưa Thầy, Thầy có thể chia sẻ thêm về Giáo dục Khai phóng và mô hình này sẽ được áp dụng trong các chương trình đào tạo tại Viện Đào tạo Quốc tế ISME@NEU như thế nào không ạ?
𝗣𝗚𝗦. 𝗧𝗦 𝗟𝗲̂ 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗧𝗵𝗮̀𝗻𝗵: Giáo dục Khai phóng ngày càng được áp dụng phổ biến trên toàn cầu bởi không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều, Giáo dục Khai phóng còn tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học. Thay vì bó hẹp trong một chuyên ngành cụ thể, sinh viên được khuyến khích tiếp cận kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, sinh viên được cung cấp và hình thành nền tảng kiến thức rộng để thích nghi với những thay đổi trong môi trường nhiều biến động và thay đổi nhanh chóng hiện nay, tự tin theo đuổi những đam mê và khám phá bản thân.
Chương trình Cử Nhân Quản trị Kinh doanh, ngành Kinh doanh Quốc tế liên kết với Đại học Andrew (Mỹ) hướng đến đào tạo 4 năm theo mô hình giáo dục 2 + 2. 2 năm đầu tiên, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng rất rộng bao gồm cả các môn Lịch Sử, Nghệ thuật, Sinh học, Văn hoá và Toán học để rèn luyện tư duy phản biện và logic. Với 2 năm tiếp theo, sinh viên lựa chọn chuyên ngành học mà mình yêu thích và đào sâu kiến thức trong lĩnh vực đó.
Giáo dục khai phóng ngày càng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên Thế giới. Vậy theo Thầy, Giáo Dục Khai Phóng sẽ được áp dụng như thế nào trong môi trường giáo dục Việt Nam và đặc biệt là trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0?
𝗣𝗚𝗦. 𝗧𝗦 𝗟𝗲̂ 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗧𝗵𝗮̀𝗻𝗵: Giáo dục Khai phóng là mô hình giáo dục rất nổi tiếng tại các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ. Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU đã nắm bắt xu hướng giáo dục tiên tiến này, áp dụng và định hướng cho sinh viên của Viện với tiêu chí “khám phá và khẳng định chính mình” ngay từ những ngày thành lập Viện.
Không chỉ với Chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh liên kết với ĐH Andrews (Mỹ), Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU áp dụng triết lý đào tạo toàn diện, cung cấp nền tảng vững chắc để sinh viên nhanh chóng thích nghi và đón đầu những thay đổi trong thời đại 4.0. Từ năm nhất, sinh viên đã được khuyến khích tham gia vào các hoạt động ngoại khoá để phát triển bản thân, khám phá ra sở thích, năng khiếu và rèn luyện kỹ năng mềm.
ISME cũng đặc biệt tập trung nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu giúp sinh viên chủ động tiếp cận thông tin qua dữ liệu tại thư viện điện tử của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay các trường đại học trên Thế giới.
Sinh viên Việt Nam thường được trang bị lượng kiến thức lớn mang tính lý thuyết cao và đôi khi hạn chế khả năng tự duy phản biện và tinh thần cởi mở, chủ động. Liệu chương trình đào tạo liên kết với Đại học Andrews, Mỹ áp dụng giáo dục khai phóng có thể khắc phục được điều này?
𝗣𝗚𝗦. 𝗧𝗦 𝗟𝗲̂ 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗧𝗵𝗮̀𝗻𝗵: Hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam đang dần đổi mới, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như việc học tập còn thiên về lý thuyết. Điều này khiến học sinh chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Để khai phá tiềm năng của mỗi cá nhân, Viện Đào tạo Quốc tế – ISME@NEU luôn khuyến khích sinh viên bước ra khỏi “vùng an toàn”, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa đa dạng và thú vị được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục và cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm của Viện và dấn thân vào thực tiễn thông qua 6 hoạt động kết nối với doanh nghiệp:
– Diễn giả doanh nghiệp (guest speaker)
– Giảng viên doanh nghiệp (guest lecture)
– Mentoring (1-1)
– Tham quan thực tế (field-trip)
– Thực tập (internship)
– Cơ hội tuyển dụng trong mạng lưới cự học viên ISME và Doanh nghiệp hợp tác với ISME
Những hoạt động này cung cấp cho sinh viên cơ hội rèn luyện thực tế, học hỏi từ những doanh nhân thành công, cựu học viên thành đạt, phát triển kỹ năng mềm và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân.