Để tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế dự án kinh doanh và thực hiện báo cáo giữa khóa, Viện Đào tạo Quốc tế đã tổ chức một chuyến tham quan tới Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Doanh nghiệp Xã hội Kymviet cho sinh viên lớp B-BAE K61A và K61B vào cuối tháng 10 vừa qua.
Sinh viên B-BAE K61A và K61B tham quan NIC
Mở đầu chuyến đi tới Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, sinh viên có cơ hội tham quan cơ sở làm việc của NIC bao gồm mô hình quản lý vòng đời sản phẩm, máy in 3D đa chất liệu, công nghệ thực tế ảo (VR) và không gian làm việc chung (co-working space). Bên cạnh đó, sinh viên cũng được lắng nghe chia sẻ của diễn giả Nguyễn Thị Ngọc Dung – Đại diện Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, người từng có 7 năm kinh nghiệm làm việc tại Silicon Valley với vai trò là đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ ở San Francisco trước khi đầu quân vào NIC, về những hoạt động của NIC, các định hướng và hỗ trợ cho khởi nghiệp của giới trẻ.
Diễn giả Nguyễn Thị Ngọc Dung – Đại diện Trung tâm Sáng tạo Đổi mới Quốc gia
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, mặc dù có nhiều trường phái tư tưởng về khởi nghiệp nhưng chỉ khi có yếu tố “nhúng” công nghệ vào thì mới được gọi là start-up theo đúng nghĩa. Tiếp đó, diễn giả trao đổi về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để những sinh viên khi có ý định khởi nghiệp có thể xác định được môi trường khởi nghiệp và vai trò của các thành phần trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Khi đi sâu hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp, diễn giả chia sẻ văn hóa rụt rẻ, không cởi mở của chúng ta không phải là văn hóa dành cho khởi nghiệp. Lí do là vì khi chúng ta tham gia khởi nghiệp, chúng ta cần có tinh thần chia sẻ, tinh thần cộng đồng và văn hóa ứng xử với những cái mới, tôn trọng những ý tưởng, quan điểm khác biệt. Vì vậy khi tham gia vào một hệ sinh thái mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần chuẩn bị tâm thế và hành trang để thích nghi với văn hóa khi mang mô hình start-up ở Silicon Valley về Việt Nam.
Một số hình ảnh của chuyến tham quan tại NIC của hai lớp BBAE K61A và K61B
Một trong những thực tế của Việt Nam hiện nay là quá thiếu start-up hoặc các công ty start-up còn quá non và thị trường vẫn còn nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhanh hơn, dẫn đến tình trạng dư thừa vốn và giải ngân không kịp tiến độ. Khi được hỏi về việc liệu chính sách có đang tạo nên sự cản trở cho sự phát triển của các start-up tại Việt Nam, diễn giả khẳng định việc chính phủ, chính sách luôn chạy đằng sau hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp là điều bình thường, và đây cũng là thực tiễn của nhiều nước phát triển trên thế giới cho nên chúng ta không nên bi quan mà cần kiên trì thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đến với phần thứ hai của chuyến khảo sát thực tế tại Doanh nghiệp Xã hội Kymviet, các bạn sinh viên được trải nghiệm quy trình làm ra một sản phẩm thủ công cũng như không gian và văn hóa cà-phê của người khuyết tật và giao lưu với ông Phạm Việt Hoài (Founder và CEO Kymviet). Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, diễn giả cho biết việc mang trong mình khiếm khuyết ở cột sống và đôi chân đã tạo ra trở ngại không nhỏ trong việc hòa nhập với cuộc sống nói chung và quá trình xin việc nói riêng. Nhận thức được điều này, ông Phạm Việt Hoài đã chuyển sang làm kinh doanh từ sớm, trải qua một vài dự án rồi cuối cùng lựa chọn dừng chân ở Kymviet với mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật tìm một công việc để có thể cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với mục tiêu đó, ông hi vọng xã hội nhìn nhận người khuyết tật ở góc độ khác, rằng họ vẫn có khả năng lao động như người bình thường, không hề thua kém ai cả dù công việc mà họ có thể làm được có thể hạn chế hơn.
Diễn giả Phạm Việt Hoài – Founder và CEO của Kymviet
Sinh viên tham gia làm đồ thủ công tại xưởng của Kymviet
Khi được hỏi về những khó khăn trong việc đào tạo nhân lực mới, diễn giả cho rằng việc tiếp thu kiến thức có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhất bởi tính đặc thù của nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sự tập trung cao độ vì yêu cầu của ông đối với chất lượng sản phẩm đầu ra là rất cao. Ông còn thẳng thắn khẳng định Kymviet không phải là một doanh nghiệp lập ra để kêu gọi từ thiện và bán sản phẩm dựa trên sự thương cảm. Trên thực tế, Kymviet chú trọng đến việc chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm thật sự mang lại giá trị, không chỉ có mẫu mã đẹp mà chất lượng hoàn thiện còn phải tinh xảo, và thông qua đó có thể truyền tải được thông điệp nhân văn tới cộng đồng.
Một số hình ảnh của chuyến tham quan tại doanh nghiệp xã hội Kymviet
Sự đón tiếp nồng nhiệt và những chia sẻ từ đại diện Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cũng như Doanh nghiệp Xã hội Kymviet đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên BBAE, giúp các bạn có cái nhìn thực tiễn hơn đối với những dự án kinh doanh khởi nghiệp cũng như hiểu rõ hơn về mô hình start-up, cách thức vận hành, định hướng cũng như hành trang sinh viên cần chuẩn bị khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp.
Fanpage IBD@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình IBD@NEU
Tham giaFanpage BBAE@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình BBAE@NEU
Tham giaFanpage IMD@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình IMD@NEU
Tham gia