Banner

Giới thiệu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Viện đào tạo Quốc tế - ISME

Lịch sử phát triển và Sứ mệnh

Viện Đào tạo Quốc tế (ĐTQT) (thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân) ra đời và phát triển trong bối cảnh của công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế đất nước, và là một trong những địa chỉ đầu tiên tiếp nhận nội dung đào tạo tiên tiến của các nước phát triển vào Việt Nam.

Khởi nguồn từ dự án Đào tạo Từ xa do Tổ chức phát triển Quốc tế của Thụy điển (Sida) tài trợ vào đầu những năm 1990, các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế sau đó thể hiện sự nỗ lực và chủ động của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) trong việc tiếp nối và phát huy các nguồn lực mà các dự án hỗ trợ phát triển mang lại, sự linh hoạt và tầm nhìn của những người lãnh đạo của Nhà trường, sự tâm huyết và sáng tạo của đội ngũ cán bộ được đào tạo một cách bài bản theo những chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới và mong muốn nhân lên những cơ hội đào tạo đó cho nhiều người khác…

Tầm nhìn

Viện Đào tạo Quốc tế phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh có uy tín trong khu vực và trên thế giới, đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa hệ thống giáo dục trong khu vực và trên thế giới với Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Chức năng

Viện ĐTQT là đơn vị có chức năng xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, nhằm phát huy các thế mạnh tổng hợp của Nhà trường, tiến tới xây dựng các chương trình đào tạo của chính Trường ĐH KTQD được quốc tế công nhận. Ngoài ra, Viện ĐTQT có chức năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn.

Sứ mệnh

Viện Đào tạo Quốc tế cung cấp cơ hội phát triển cho học viên, sinh viên và cán bộ, giảng viên thông qua việc nghiên cứu và tạo dựng các chương trình và môi trường đào tạo chuẩn quốc tế trên cơ sở thúc đẩy tính sáng tạo, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, qua đó đóng góp vào sự đổi mới của giáo dục Việt Nam.

Chặng đường phát triển

  • Từ 1/2011 đến nay
     

    Khoa ĐTQT được nâng cấp thành Viện Đào tạo Quốc tế, từ ngày 04/01/2011 theo Quyết định số 03/QĐ-ĐH.KTQD-TCCB của Hiệu trưởng trường ĐHKTQD. Viện ĐTQT tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo ở cả bậc đại học và sau đại học, hướng tới mục tiêu trở thành một đơn vị tổ chức đào tạo nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh đạt tầm quốc tế.

    Tính đến năm 2023, Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức triển khai và quản lý 7 ngành học ở bậc Đại học, 4 ngành học ở bậc Cao học và Tiến sĩ liên kết với các trường đối tác ở vương quốc Anh, Mỹ và Đức.

    Với tinh thần tiên phong và luôn chủ động, sáng tạo để xây dựng những chương trình học có giá trị, Viện Đào tạo Quốc tế luôn tiếp tục làm mới mình, không ngừng nỗ lực để xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến bằng cách đưa các yếu tố giáo dục quốc tế vào Việt Nam một cách có chọn lọc, dần dần xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế của chính mình, qua đó thu hút sinh viên và cộng đồng học thuật quốc tế đến học tập và làm việc tại Trường, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đưa vị thế của Viện nói riêng và Trường nói chung lên những tầm cao mới.

  • 2009~2011
     

    Ngày 12/5/2009, Khoa QLĐTQT được đổi tên thành Khoa Đào tạo Quốc tế theo quyết định số 859/QĐ-KTQD-TCCB của Hiệu trưởng trường ĐHKTQD, với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng và triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ngoài ra, quản lý toàn bộ LHS đang học tập tại trường ĐHKTQD. Khoa tiếp tục thực hiện và phát triển Chương trình Cao học Việt Bỉ và Chương trình Cử nhân quốc tế với các đối tác và chuyên ngành mới. Năm 2009, Khoa liên kết với đối tác mới, Đại học Tổng hợp West of England (UWE), Vương quốc Anh, mở thêm ngành Kinh tế, ngành đào tạo mới cho Chương trình Cử nhân quốc tế, và sau đó là ngành Ngân hàng & Tài chính từ năm 2010, mở rộng thêm cơ hội cho các sinh viên khi học tập tại Chương trình.

  • 2003~2009
     

    Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế (QLĐTQT) được thành lập vào ngày 26/11/2003 theo quyết định số 4684/QĐ – TCCB, là một đơn vị trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và được giao nhiệm vụ quản lý, xây dựng và trực tiếp triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

    Từ năm 2005, Khoa bắt đầu triển khai chương trình liên kết đào tạo đại học, Chương trình Cử nhân quốc tế IBD@NEU, cho phép sinh viên học theo chương trình đào tạo của hệ thống giáo dục Vương quốc Anh và lấy bằng của Đại học Tổng hợp Sunderland (UoS), Vương quốc Anh ngay tại Việt Nam.

    Cũng trong năm 2005, Khoa QLĐTQT đã thực hiện Chương trình Cao học Việt – Lào, hợp tác với ĐH Quốc gia Lào tại Viên-chăn, thủ đô của CHDCND Lào. Đây là lần đầu tiên, trường ĐHKTQD có chương trình đào tạo chính thức tại nước ngoài.

  • Tiền thân ~ 2003
     

    Được thành lập năm 1992, Văn phòng quản lý dự án Đào tạo Từ xa là đơn vị trực thuộc Khoa Sau đại học, trường ĐHKTQD, đào tạo Thạc sĩ Kinh tế Tài chính theo chương trình của Đại học Tổng hợp London, Vương quốc Anh. Năm 1996, Văn phòng quản lý dự án triển khai chương trình Cao học Việt Bỉ liên kết với Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles, Vương quốc Bỉ trên cơ sở Hiệp định song phương giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Vương quốc Bỉ. Đây là một trong những Chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế được triển khai sớm nhất tại Việt Nam. Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) hợp tác với Trường đại học Tổng hợp Washington, Hoa Kỳ, là chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế tiếp theo được thực hiện từ năm 2000 và là chương trình thạc sĩ đầu tiên tại thời điểm đó hợp tác với một đối tác được Hiệp hội các trường Kinh doanh AACSB của Hoa Kỳ công nhận.

    Từ năm 2001, Văn phòng quản lý dự án được nâng cấp thành Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hợp tác đào tạo quốc tế, tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo Cao học Việt Bỉ, Việt Mỹ và liên kết với các cơ quan tổ chức khác tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn với Singapore, Pháp, Đức… tạo tiền đề cho sự ra đời của một tổ chức mới với các hoạt động đào tạo đa dạng và phong phú hơn.