Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, bên cạnh những điểm sáng tích cực vẫn còn tình trạng “làn sóng” các chương trình liên kết ồ ạt ra đời và được xếp chung vào một giỏ, không phân loại chất lượng. Nên cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm “Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức về những khó khăn, hạn chế khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam, PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, bên cạnh những điểm sáng tích cực vẫn còn tình trạng “làn sóng” các chương trình liên kết ồ ạt ra đời và được xếp chung vào một giỏ, không phân loại chất lượng.
Nên cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này và ban hành cơ chế để các cơ sở đào tạo Việt Nam tiếp cận được với các mô hình đào tạo nước ngoài tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới về hội nhập giáo dục đại học.
Toạ đàm “Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Xuân Tùng)
Báo động tình trạng “vàng thau lẫn lộn”
– Thưa PGS.TS Lê Trung Thành, xin ông hãy cho biết từ khi có Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã gặp những thuận lợi và khó khăn hạn chế gì khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài?
PGS.TS Lê Trung Thành: Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã giúp các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt các cơ sở tự chủ được tự phê duyệt các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; từ đó các chương trình này được nhanh chóng hơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.
Các cơ sở giáo dục đại học cũng được chủ động đặt ra các tiêu chí và triển khai việc tuyển sinh (miễn là tuân thủ tiêu chí tuyển sinh của đối tác) và thời gian tuyển sinh trong năm không nhất thiết phụ thuộc vào lịch trình kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy vậy, việc cho các trường tự chủ song lại thiếu chế tài giám sát, đánh giá, xếp hạng cho các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài của Việt Nam dẫn đến một “làn sóng” các chương trình liên kết ồ ạt ra đời và được xếp chung vào một giỏ không kể chất lượng, “vàng thau lẫn lộn”.
Các chương trình này cũng chưa có danh sách trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến việc học sinh gặp khó khăn khi tìm kiếm các thông tin chính thống, khách quan về các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài. Phụ huynh thì bối rối, không biết đâu là chương trình uy tín, có chất lượng để con em theo học.
Ngoài ra, do sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng các chương trình liên kết đào tạo mà sự cạnh tranh giữa các chương trình quốc tế hiện nay khá căng thẳng.
PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Xuân Tùng)
– Hiện nay trường Đại học Kinh tế Quốc dân có những chương trình liên kết đào tạo nào? Quan điểm thực hiện chương trình liên kết của nhà trường ra sao, thưa ông?
PGS.TS Lê Trung Thành: Là trường đại học tiên phong trong lĩnh vực liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện có 13 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và 6 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc cao học và 1 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ, hợp tác với các trường Đại học tại châu Âu (Anh, Pháp), Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc. Các chương trình này đào tạo các ngành thuộc khối kinh tế – kinh doanh và quản lý.
Viện Đào tạo Quốc tế chúng tôi là đơn vị có chức năng xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, nhằm phát huy các thế mạnh tổng hợp của Nhà trường. Các chương trình liên kết đào tạo tại Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bao gồm:
Hệ cao học được triển khai từ năm 1996, hiện có chương trình Thạc sĩ Quốc tế IMD@NEU với đối tác UWE với 3 ngành tuyển sinh: Quản trị kinh doanh, Quản lý số và Quản lý chuỗi cung ứng.
Hệ đại học được triển khai từ năm 2005, hiện có chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU với 2 đối tác là UWE và Coventry với 6 ngành tuyển sinh là Quản trị kinh doanh; Quản trị Kinh doanh Quốc tế; Kinh doanh và Quản trị sự kiện; Kinh doanh và Marketing; Ngân hàng – Tài chính; Digital Marketing.
Mục tiêu đào tạo của Viện Đào tạo Quốc tế là cung cấp những chương trình đào tạo cập nhật, thực tiễn với trải nghiệm chuyên môn kinh doanh và xã hội phong phú, giúp học viên khám phá và khẳng định chính mình.
Quan điểm này được hiện thực hóa thông qua các mảng hoạt động như network cựu học viên với mạng lưới gồm hơn 2000 cựu học viên, 2000 cựu sinh viên, tích hợp thực tiễn tại Việt Nam vào từng môn học trong một chương trình đào tạo; mời chuyên gia/doanh nhân đến chia sẻ và truyền cảm hứng, tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm hoạt động doanh nghiệp, giao bài tập là các tình huống thực tế để người học phát triển kỹ năng quan sát và phân tích.
Điều này mang đến cho người học lợi thế hiểu biết về thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam – điều mà nếu đi du học thì khó có thể có được.
Bên cạnh đó, hệ thống hoạt động ngoại khóa và CLB sinh viên phong phú và đa dạng, bao gồm các hoạt động sự kiện, thể thao, văn hóa nghệ thuật, phát triển chuyên môn…, giúp sinh viên tìm được “sân chơi” phát huy tiềm năng riêng biệt của bản thân, khuyến khích các em vượt ra khỏi vùng an toàn, dấn thân vào vùng thử thách, từ đó khám phá năng lực và sở trường của bản thân mình.
– Vậy tiêu chí lựa chọn đối tác liên kết nước ngoài của Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân như thế nào?
PGS.TS Lê Trung Thành: Tiêu chí số 1, cũng là tiêu chí quan trọng nhất mà Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân coi trọng là vị thế, chất lượng của đối tác. Đối tác liên kết cần uy tín, nghiêm túc và nằm trong hệ thống giáo dục chính thống được công nhận của nước sở tại. Thứ hạng của đối tác cũng là một yếu tố tham khảo, và ưu tiên các nước có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ để học viên có thể phát triển hội nhập toàn cầu.
Đồng thời, đối tác liên kết cần có thể cung cấp nhiều hỗ trợ trong đào tạo và trao đổi giảng viên, cán bộ chương trình, và công tác bảo đảm chất lượng đào tạo. Họ có những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam và phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… Chương trình đào tạo được kiểm định tại nước sở tại hoặc kiểm định quốc tế (vd QAA, AACSB,…)
PGS.TS Lê Trung Thành: “Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn chú trọng xác định vị thế và uy tín của đối tác, cũng như chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo” (Ảnh: Xuân Tùng)
Nâng cao hiệu quả liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài
– Trước những khó khăn, hạn chế khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mà các trường đại học đang phải đối mặt, Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những biện pháp khắc phục nào, thưa PGS.TS Lê Trung Thành?
PGS.TS Lê Trung Thành: Trong quá trình triển khai các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn chú trọng xác định vị thế và uy tín của đối tác, cũng như chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo.
Viện đã cùng các đối tác uy tín xây dựng và phát triển những chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học với những giá trị nổi bật cho học viên như cập nhật các kiến thức quốc tế hay đảm bảo tư duy cũng như kỹ năng tác nghiệp tầm quốc tế sao cho phù hợp, thích ứng với yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam.
Khi theo học tại Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, người học sẽ nhận được tấm bằng cử nhân/thạc sĩ của những trường đại học uy tín trên thế giới với mức học phí rất hợp lý. Đó là bởi Viện tận dụng được nguồn giảng viên được đào tạo bài bản của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên không mất quá nhiều kinh phí so với việc mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy.
Bên cạnh đó, là đơn vị tiên phong trong Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đặc biệt tại miền Bắc) trong việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, Viện Đào tạo Quốc tế may mắn được học viên và phụ huynh tin tưởng về chất lượng đào tạo. Bản thân chúng tôi cũng luôn chủ động trong việc cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và kịp thời cho công chúng để đem lại những giá trị nổi trội cho người học.
– Ông có đề xuất các giải pháp, kiến nghị để việc triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài chất lượng hơn?
PGS.TS Lê Trung Thành: Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tôi kiến nghị cần tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo Việt Nam tiếp cận được với các mô hình đào tạo tiên tiến, cập nhật quy định về các mô hình liên kết đào tạo nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới về hội nhập giáo dục đại học.
Hiện nay, một số tổ chức giáo dục đang tích cực triển khai mô hình licensing, có tính học thuật và cấp bằng Diploma song lại do các tổ chức quốc tế giữ bản quyền chứ không phải một cơ sở giáo dục đơn lẻ triển khai.
Theo tôi, đây là mô hình hữu ích mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét để chính thống hóa và đưa vào thực hiện ở Việt Nam.
Đặc biệt, với công tác giám sát và hậu kiểm, cần công bố thông tin về chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế (ví dụ thông tin đầu ra như tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp, mức lương khởi điểm, vị trí công việc, thông tin cập nhật về đối tác và các chương trình). Một ví dụ có thể làm ngay là đưa thông tin/danh sách về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế lên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Mùa tuyển sinh năm 2024 đã bắt đầu, PGS.TS Lê Trung Thành có thể chia sẻ với các thí sinh về cách chọn chương trình liên kết chuẩn được Bộ GD-ĐT công nhận để tránh “tiền mất tật mang” và lời khuyên để các thí sinh và phụ huynh yên tâm đăng ký lựa chọn vào ngành học, trường học chất lượng và được nhà nước công nhận?
PGS.TS Lê Trung Thành: Chất lượng của một chương trình liên kết đào tạo quốc tế phụ thuộc vào uy tín của đối tác nước ngoài, nội dung chương trình đào tạo của họ và năng lực triển khai chương trình của đối tác Việt Nam.
Để đánh giá uy tín của một trường đại học nước ngoài, hiện ở Việt Nam chủ yếu công chúng nhìn vào bảng xếp hạng của trường đó tại các trang web như Times Higher Education, QS World ranking.
Tuy nhiên, phụ huynh và thí sinh cần lưu ý rằng mỗi bảng xếp hạng đều là tổng hòa của những tiêu chí khác nhau (Ví dụ: Số lượng bài nghiên cứu được xuất bản, sự hài lòng cúa người học, khả năng kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, rồi còn xếp hạng theo ngành…) và vì thế không nhất thiết cứ phải những trường có thứ hạng rất cao thì chương trình liên kết đào tạo mới có chất lượng tốt. Trên thực tế có những trường không xếp hạng trên THE hay QS song lại rất có uy tín, ví dụ như một số trường Ivy League của Mỹ.
Vì vậy, phụ huynh và thí sinh cần xem xét nhiều hơn vào thực chất chương trình đào tạo, sự tham gia của đối tác nước ngoài trong công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình liên kết đào tạo. Ví dụ như tại các chương trình cử nhân và thạc sĩ của chúng tôi, đối tác nước ngoài là các Trường Đại học Anh quốc cùng tham gia vào các hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định cho chương trình. Giống như các chương trình của trường đối tác tại UK, các chương trình của chúng tôi đều đạt kiểm định chất lượng của QAA – Tổ chức kiểm định độc lập uy tín của Anh quốc.
Yếu tố quyết định chất lượng của chương trình liên kết đào tạo quốc tế nằm ở năng lực triển khai của đối tác Việt Nam, được thể hiện ở uy tín, kinh nghiệm, chất lượng đội ngũ (giảng viên và cán bộ quản lý), quan điểm và môi trường đào tạo của cơ sở giáo dục Việt Nam.
– Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Trung Thành!
Nguồn “Báo Đại biểu Nhân dân”
Fanpage IBD@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình IBD@NEU
Tham giaFanpage BBAE@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình BBAE@NEU
Tham giaFanpage IMD@NEU - Nơi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, môi trường học tập và hoạt động về Chương trình IMD@NEU
Tham gia